Luật nhà ở 2023 tháo gỡ các vấn đề của nhà ở xã hội như thế nào

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã chỉ ra những điểm mới của Luật nhà ở với nhà ở xã hội. Cụ thể, thứ nhất, Điều 85 khoản 2 điểm (a) Luật Nhà ở 2023 quy định dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất với toàn bộ dự án và không làm thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ dồi dào hơn nhờ những điểm mới của Luật Nhà ở 2023. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ
Thứ 2, Điều 85 khoản 2 điểm (d) Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở hoặc diện tích sàn nhà ở (nếu không bố trí riêng được quỹ đất) để xây dưng công trình dịch vụ thương mại nhà ở thương mại. Trong trường hợp chủ đầu tư bố trí quỹ đất riêng để xây dựng 20% là nhà ở thương mại thì nộp tiền sử dụng đất với phần này.
Thứ 3, Luật Nhà ở 2023 đã bỏ quy định chủ đầu tư dành 20% diện tích sàn nhà ở để cho thuê; chỉ được bán sau 05 năm kể từ thời điểm bắt đầu thuê.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn nhấn mạnh, những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 nhằm thúc đẩy sự phát triển của loại hình này, hướng tới mục tiêu xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây là những tín hiệu tích cực cho nhà ở xã hội trong thời gian tới.

“Luật Nhà Ở Năm 2024 Đã Giúp Tháo Gỡ Đáng Kể “Điểm Nghẽn” Để Thúc Đẩy Nhà Ở Xã Hội Phát Triển"

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home. Ông Nam cho biết, ngày 1/8, các bộ luật có hiệu lực, các nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội đã có ngay trước đó. Đặc biệt, việc giải quyết được định khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.
Thêm nữa, các chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này giúp “cởi trói” rất lớn do đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp.

Giá căn hộ chung cư sẽ hạ nhiệt nhờ sự nhiều lên của nhà ở xã hội. Ảnh: Người Lao Động

Bên cạnh đó, với quy định trước đây thì một nghịch lý là người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không đủ tiền, trong khi người trung lưu không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì không đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội. Cùng với đó là những quy định chồng chéo, phức tạp về vấn đề hộ gia đình – hộ khẩu.
Việc cởi trói điều kiện yêu cầu cá nhân mua (vợ/chồng) trở nên hợp lý hơn khi bổ sung việc chính thức tính tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng đã tháo gỡ rất lớn cho người dân, cho thấy Bộ Xây dựng và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến chuyên gia.
Ông Nam nhấn mạnh các yếu tố trên sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển nhà ở xã hội. Hiện ở các nước phát triển, cứ 5 người thì có 1 người đang ở nhà ở xã hội. Điều này cho thấy tính hợp lý và có cơ sở từ “con số 20%” theo quy định mà các cơ quản lý đã đưa ra. Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, Tổng giám đốc G-Home mong chờ thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, với những điểm nghẽn được tháo gỡ, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ nhiều lên. Sự dồi dào nguồn cung nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải bài toán nhà ở thu nhập nhấp của người dân, đặc biệt là người dân tại các đô thị lớn. Nhờ đó, giá căn hộ chung cư cũng sẽ hạ nhiệt nhờ sự đối trọng của phân khúc nhà ở xã hội. Thị trường bất động sản cũng sẽ trở nên lành mạnh hơn.