“Thu Nhập Của Người Dân Chưa Theo Kịp Mức Tăng Giá Bất Động Sản”

Đây là nhận định của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam. Theo bà An, với mặt bằng giá và diễn biến thị trường hiện nay, có thể so sánh mặt bằng giá bán nhà ở TP.HCM và Hà Nội với mặt bằng thu nhập của người dân để đưa ra bức tranh tổng thể. Mặt bằng giữa mức giá bán và thu nhập người dân ở TP.HCM và Hà Nội đang khá nhỏ so với các thành phố khác trong khu vực như Kuala Lumpua (có thu nhập cao hơn 4 lần chúng ta nhưng giá nhà tương đối ngang bằng). Tức, khả năng chi trả của người dân tại thành phố này cao hơn chúng ta rất nhiều. Nhìn tổng quan, dường như mức tăng thu nhập của người dân chưa theo kịp mức tăng giá bất động sản ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Giá bất động sản hiện vượt xa mức thu nhập của người dân. Ảnh: Kinh tế Môi trường
Về triển vọng, trong tương lai, nguồn cung chung cư Hà Nội sẽ tương đối dồi dào. Tiếp sau, nguồn cung về đất nền (bất động sản gắn liền với đất) dự báo sẽ được cải thiện, khi các dự án khu đô thị lớn được mở bán thời gian tới đây. Cũng theo bà An, từ nay đến 2026, Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 55 nghìn sản phẩm nhà ở cao tầng lẫn thấp tầng, trong khi đó, con số này ở TP.HCM chỉ là 35 nghìn. Điều này cho thấy nguồn cung mới sẽ tiếp tục tập trung ở Hà Nội, còn tại TP.HCM, nguồn cung sẽ lan rộng ra các địa phương lân cận và không dồi dào trong thành phố. Dự báo giá bất động sản, cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp Hà Nội tiếp tục đi lên, đặc biệt là ở căn hộ chung cư. Mức tăng trưởng giá này, là khoảng trên 20%/năm – một con số chưa từng được ghi nhận từ trước tới nay. Trong khi đó, TP.HCM ghi nhận tăng trưởng giá ổn định 5-6%/năm. Sở dĩ giá bất động sản TP.HCM gần như không tăng trong 2 năm qua, trong khi khu vực Hà Nội diễn biến tăng mạnh vì mặt bằng giá tại TP.HCM đã tạo lập tại khu vực này từ những năm 2015-2019 với mức tăng 15%/năm và tạm dừng.
Trước thực trạng trên, bà Phạm Thị Miền cho rằng việc giá bất động sản liên tục tăng cao đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận – khu vực có nhiều lựa chọn với mức giá phải căng hơn, có nhiều dự án nhà ở xã hội dự kiến triển khai hơn. Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng về mặt dài hạn.
Nguyễn Nam