Dự đoán về thị trường trong thời gian tới, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 là yếu tố then chốt, giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý, đồng thời khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư, thị trường sẽ bước vào giai đoạn ổn định và tăng trưởng từ giữa năm 2024.
Nghiên cứu từ Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) chỉ ra, thị trường BĐS cả nước vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi: trong hơn nửa đầu năm 2024, nguồn cung mới và lượng giao dịch của thị trường tăng mạnh, lần lượt gấp 3 lần và 2,4 lần so với quý trước.
Bên cạnh tác động tích cực khi 3 bộ luật mới chính thức có hiệu lực, khu Nam TP.HCM được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc trở thành tâm điểm đón sóng đầu tư nhờ cộng hưởng hàng loạt hạ tầng trọng điểm về đích cuối năm và chuyển biến mới trong quy hoạch tổng thể của thành phố.
Cụ thể, vào ngày 30/8/2024 vừa qua, cầu Cây Khô đã chính thức thông xe, xoá thế cô lập cho phía Nam Nhà Bè với các quận trung tâm.
Cuối tháng 9/2024, hầm chui HC2 tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ chính thức thông xe và hoàn thành vào cuối năm nay. Nhiều dự án trọng điểm khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào cuối năm 2024 như cầu Rạch Đỉa, cầu Phước Long và thông xe kỹ thuật cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Những công trình này không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tăng cường kết nối phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh với các khu vực lân cận, tạo ra động lực lớn cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản khu vực.
Hạ tầng Nhà Bè phát triển mạnh mẽ và liên tục "về đích" cuối năm 2024.
Ngoài ra, chuyển biến trong quy hoạch tổng thể của TP.HCM cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư. Theo Đồ án định hướng phát triển đô thị mới, TP.HCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm với 5 phân vùng đô thị. Trong đó, vùng đô thị phía Nam bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ, hướng đến mục tiêu là khu đô thị hiện đại, hài hòa mảng xanh sinh thái, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ nhằm giúp thành phố giãn dân, giảm áp lực dồn về trung tâm, giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông.